Bối cảnh Trận_sông_Dniepr

Địa hình Ukraina và hình thế sông Dniepr

Trận Kursk đã gây cho cả hai bên tham chiến những thiệt hại nặng nề về người và phương tiện chiến tranh và vị thế trên chiến trường đã tiếp tục có những thay đổi cơ bản. Nếu như với tiềm lực dồi dào của minh, Quân đội Liên Xô đã được bù đắp lại bằng những nguồn nhân lực và vật lực to lớn từ hậu phương bao la của họ thì quân đội Đức Quốc xã đang cạn dần nguồn dự trữ.[10] Sự kiện quân đồng minh Hoa Kỳ và Anh đổ bộ lên đảo Sicilia tuy chưa đe dọa trực tiếp đến trung tâm nước Đức nhưng cũng đủ để Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức Quốc xã phải giữ lại một phần khỏng nhỏ lực lượng ở bán đảo Apelnin và không thể thoải mái điều động binh lực dự trữ sang tăng cường cho mặt trận phía đông.[11] Trong quá trình diễn ra các chiến dịch ở Belgorod-KharkovOryol, quân đội Liên Xô cũng đồng thời mở các chiến dịch ở Smolensk, Rzhev-Vyazma, Mgin, Taman, đẩy quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía đông vào thế bị động đối phó, không thể tự do điều động lực lượng đến những đoạn mặt trận bị uy hiếp. Ngay cả phòng tuyến Hagen được tướng Walter Model thiết lập công phu phía trước Bryansk cũng không thể giúp các tập đoàn quân 2, 4, 9 và tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) trụ lại tại đây được quá một tháng.[12]

Donbas và cả vùng công nông nghiệp ở trung lưu và hạ lưu sông Đông là mục tiêu tối cao mà quân đội Liên Xô cần phải thu hồi do đây là một trong những nguồn cung cấp quặng sắt, than đá cho nền kinh tế và các nhà máy công nghiệp nặng phục vụ nền quốc phòng. Năm 1941, người Đức cũng đặt ra những mục tiêu tương tự đối với các chiến dịch quân sự tại vùng này. Tuy nhiên, địa hình ở Donbas và cả khu vực tả ngạn sông Dniepr rất thuận lợi cho các cuộc tấn công và rất khó cho phòng thủ. Ngoài dãy núi già Donets ở phía nam chạy vắt ngang giữa đồng bằng hạ lưu sông Donets và hạ lưu sông Dniepr có độ cao không quá 400 m, toàn bộ địa hình tả ngạn sông Dniepr và vùng Donbas tương đối bằng phẳng và thoai thoải dần theo hướng đông bắc-tây nam đến sông Dniepr; độ cao trung bình không quá 250 m và không có những điểm cao đột xuất.[13]

Sông Dniepr với chiều rộng trung bình 400 đến 500 m và độ sâu giữa lòng sông từ 8 đến 12 m thực sự là một chướng ngại thiên nhiên rất lớn trên các con đường tiến quân sang phía tây của quân đội Liên Xô ở Ukraina. Do tiếp giáp với rìa phía đông của dãy núi Karpat, địa hình bên hữu ngạn sông Dniepr có đặc điểm ngược lại với bên tả ngạn. Bờ sông hữu ngạn có rất nhiều đoạn dốc cao khá gắt (trừ khu vực tiểu bồn địa Cherkassy). Tại khu vực Bukrin-Kanev, bờ sông phía tây có chỗ gần như dựng đứng, rất thuận tiện cho phòng thủ. Tuy nhiên, bờ đông con sông này lại có nhiều khu vực lau sậy và cây thấp rất rậm rạp, thuận tiện cho việc giấu quân và phương tiện chuẩn bị vượt sông. Để phòng thủ tuyến sông chiến lược này, quân đội Đức Quốc xã trên bờ Tây đã kết hợp phòng thủ thụ động bằng các cứ điểm hỏa lực, bãi mìn, chướng ngại chống tăng với các đơn vị xe tăng phòng thủ cơ động dưới sự yểm hộ tối đa của pháo binh và không quân.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_sông_Dniepr http://books.google.com/books?id=33g3ujB6mAoC&dq=r... http://books.google.com/books?id=Zv9nAAAAMAAJ&dq=r... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://ww2stats.com/pow_ger_okhzone43.html http://www.youtube.com/watch?v=h71sF-bE3UE&feature... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://militera.lib.ru/h/getman_al/05.html http://militera.lib.ru/h/gorshkov_sg/07.html http://militera.lib.ru/h/mellenthin/15.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/11.html